Trả đồ cho người đánh mất từ lâu đã trở thành một nét văn hóa ở Nhật Bản

Trả đồ cho người đánh mất từ lâu đã trở thành một nét văn hóa ở Nhật Bản

Đôi khi, trong một phút lơ đãng, người ta có thể bỏ quên điện thoại trên taxi hay rơi ví tiền giữa đường… Những thứ đó rất khó để tìm lại. Theo Bloomberg, khoảng 126 triệu dân Nhật Bản mất đồ mỗi năm. Tuy nhiên, số vật được trả lại chủ cũ cũng khá lớn. BBC từng đưa tin khoảng 83% điện thoại di động bị mất ở thủ đô xứ anh đào đã về lại tay chủ nhân.

Hệ thống trả đồ thất lạc

Tại Nhật Bản, bạn có thể tìm thấy khoảng 6.300 đồn cảnh sát nhỏ, gọi là “koban”. Đây là điểm liên lạc dễ dàng của dân cư với cảnh sát.

Trong năm 2018, tại Tokyo, cảnh sát ở các koban đã tiếp nhận khoảng 4,1 triệu đồ thất lạc. Tính trên toàn quốc, khoảng 26,7 triệu đồ thất lạc đã được báo cáo trong năm 2015. Ví, ô cùng tiền mặt là những thứ phổ biến nhất. Số tiền bị mất đạt kỷ lục vào năm 2018 với khoảng 3,8 tỷ yên (khoảng 36 triệu USD). 3/4 số tiền này đã được trả lại cho người đánh mất.

Những đồn cảnh sát nhỏ giúp việc trả đồ thất lạc dễ dàng hơn. Ảnh: The Best Japan.
Khi một người tìm được đồ đánh rơi, họ sẽ đem tới koban để trình báo. Cảnh sát sẽ ghi lại danh tính người tìm thấy và chi tiết món đồ. Chúng sẽ được giữ tại koban khoảng một tháng trước khi chuyển tới Trung tâm đồ thất lạc ở phường Bunkyo (Tokyo).

Đây là một cơ sở 6 tầng. Trong đó, họ dành riêng một phòng khoảng 700 m2 dành riêng cho ô thất lạc. Theo Bloomberg, tính riêng năm 2018, khoảng 344.000 chiếc ô – gần 8% tổng số đồ mất – đã được chuyển tới Trung tâm đồ thất lạc. Trong một ngày mưa, cảnh sát có thể tiếp nhận tới 3.000 chiếc ô.

Khi đồ thất lạc được đem đến trung tâm, các nhân viên sẽ kiểm tra cẩn thận thông tin, đặc điểm nhận dạng để hỗ trợ việc liên hệ với chủ sở hữu hợp pháp. Trung tâm cũng có một trang web đăng tải danh mục các món đồ bị mất.

Theo quy định, sau 3 tháng, nếu không tìm thấy chủ sở hữu hợp pháp, món đồ sẽ được chuyển cho người tìm thấy nó hoặc chính quyền thành phố. Đối với những món đồ không có người nhận như quần áo, nhạc cụ, đồ dùng văn phòng phẩm, chính quyền có thể bán lại cho một số cửa hàng.

“Nếu có người mang đồ thất lạc tới, chúng tôi sẽ lập tức viết báo cáo để tìm chủ sở hữu hợp pháp. Dù vật nhỏ hay lớn, chúng tôi vẫn làm hết mình”, Yuga Umezawa, một cảnh sát ở phường Ikebukuro (Tokyo) chia sẻ.

Ý thức từ khi còn nhỏ

Hệ thống hoàn trả đồ thất lạc sẽ không bao giờ hiệu quả nếu ý thức của người dân còn kém. Một nền văn hóa đề cao tinh thần tự giác, trả lại tài sản thất lạc chính là bài học đầu tiên của những đứa trẻ ở Nhật Bản.

Tháng 12/2019, câu chuyện của một phụ nữ tên Keiko đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng xứ Phù Tang. Theo đó, con trai của Keiko nhặt được 50 yên (khoảng 0,5 USD) và nằng nặc đòi đem đến koban gần đó. Ban đầu, cô khá lo lắng vì đem thứ tài sản nhỏ đến koban sẽ gây ảnh hưởng đến việc làm của cảnh sát. Đứa nhỏ còn có thể bị mắng mỏ.

Tuy nhiên, phản ứng của các cảnh sát tại koban đã khiến Keiko bất ngờ. “Một số sĩ quan đã hỏi thăm thằng bé về vị trí và thời gian tìm được đồng xu. Sau đó, họ còn lập biên bản chính thức về đồ thất lạc và khen ngợi thằng bé”, Keiko kể lại.

Chia sẻ với CityLab, bà mẹ này đánh giá cao công tác giáo dục ở trường học đến hành vi của trẻ nhỏ. “Con tôi được dạy từ mẫu giáo phải trả lại đồ thất lạc cho koban. Các sĩ quan cũng rất tốt bụng. Dù thằng bé mới 6 tuổi, họ vẫn tôn trọng mong muốn của nó như một người trưởng thành”, Keiko cho hay.

Thực tế, những câu chuyện kiểu này không hiếm ở Nhật Bản. Những đứa trẻ thường xuyên nộp đồng xu hoặc một số đồ lặt vặt cho cảnh sát rồi nghiêm túc điền biên bản báo cáo thất lạc và tìm thấy. Hàng tháng, cảnh sát còn đưa ra thông báo công khai về những đồ vật được tìm thấy (có cả đồ lặt vặt). Điều này giúp cha mẹ những đứa trẻ tin hành động của chúng không phải gánh nặng với các sĩ quan.

Đạo luật tài sản bị mất đã sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2007 cũng nâng cao ý thức của người dân. Theo đó, người tìm thấy đồ thất lạc phải trả cho chủ sở hữu chúng hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người tìm thấy, trong trường hợp đồ thất lạc được trả về chủ nhân, họ có thể nhận phần thưởng trị giá 5-20% giá trị món đồ. Với các món đồ không người nhận, người tìm thấy có quyền sở hữu sau 3 tháng (trừ những món đồ có chức năng nhận diện thông tin như điện thoại di động). Tuy nhiên, người tìm thấy được phép từ chối nhận thưởng hoặc ẩn danh.

Nguồn: ZingNews

Quay lại blog