Giãn cơ không chỉ cần thiết khi tập thể dục mà còn được khuyến khích nên làm thường xuyên. Việc này giúp cải thiện tính linh hoạt của cơ bắp, ngăn ngừa chấn thương và giúp giảm căng thẳng.
Không khó để chúng ta tìm thấy các từ khóa “giãn cơ” liên quan đến các buổi tập thể dục. Tuy nhiên, việc giãn cơ đem lại hiệu quả nhiều hơn thế.
Lợi ích bất ngờ từ việc giãn cơ hằng ngày. Ảnh: Pexels.
TẠI SAO NÊN GIÃN CƠ MỖI BUỔI SÁNG?
Một giấc ngủ ngon vào buổi tối giúp tái tạo năng lượng sau ngày dài hoạt động mệt mỏi. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến các cơ của bạn có nguy cơ căng cứng. Thế nên, việc giãn cơ vào mỗi buổi sáng là liệu pháp tuyệt vời đánh thức cơ thể, sẵn sàng năng động cho ngày mới.
Ngoài ra, căng thẳng đối với bạn, đôi khi, là chuyện bình thường. Nhưng lưu ý rằng nếu căng thẳng ngày càng tăng và kéo dài trong thời gian dài, bạn có thể bị căng cơ mà không hề nhận ra. Thế nên chỉ với 10 phút mỗi buổi sáng, bạn sẽ “giải phóng” căng thẳng, phấn khởi chào đón ngày mới.
LỢI ÍCH TỪ VIỆC GIÃN CƠ
1. NGĂN NGỪA CHẤN THƯƠNG
Hội Y tế Thể thao chỉ ra rằng những bài tập giãn cơ giúp đẩy lùi chấn thương không mong muốn. Duy trì làm mỗi ngày khiến cơ thể dẻo dai hơn, hạn chế chấn thương co rút căng cơ.
Liệu pháp đơn giản giúp ngăn ngừa chấn thương. Ảnh: Freepik.
2. THƯ GIÃN, GIẢM STRESS
Đây cũng là cách giúp cơ thể bạn được thư giãn. Các động tác này kết hợp với hít thở sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và thư giãn tối đa, cơ thể dần thích nghi với một ngày mới.
Thế nên, nghiên cứu từ đại học Pacific đã chứng minh “thư giãn cơ” còn giúp điều trị chứng rối loạn lo âu.
10 phút mỗi sáng giúp bạn giảm stress. Ảnh: Freepik.
3. CÓ LỢI CHO QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ
Bài nghiên cứu từ đại học Đức và Úc đã liệt kê ra các lợi ích đối với phụ nữ vị thành niên mắc bệnh hen suyễn. Phương pháp đơn giản này giúp cải thiện huyết áp, thông số phổi và nhịp tim. Duy trì thói quen giãn cơ cực kỳ có lợi cho đối tượng có chướng bụng, chứng đau nửa đầu và các vấn đề về giấc ngủ.
BÀI TẬP GIÃN CƠ PMR
Ngoài những bài tập yoga, ELLE gợi ý bạn đọc bài tập Thư giãn cơ liên tục – Progressive muscle relaxation (PMR).
- Bạn chọn tư thế ngồi thoải mái trên ghế trong không gian yên tĩnh và riêng tư. Đặt bàn chân phẳng trên mặt đất.
- Hít vào với cơ hoành, thay vì phần ngực trên (tưởng tượng bụng của bạn sẽ chứa đầy không khí).
- Nhận biết cảm giác khi hơi thở đi từ mũi xuống bụng. Trong mỗi hơi thở ra, tự khuyến khích mình hãy thư giãn. Tiếp tục việc này trong khoảng vài phút.
Hít thở đều đặn để cảm nhận các cơ. Ảnh: Freepik.
- Nhẹ nhàng cong ngón chân vào dưới bàn chân. Giữ một lát, rồi thả ra và thư giãn.
- Nhẹ nhàng căng bắp chân trong giây lát, rồi thả ra và thư giãn. Thở vào nhẹ nhàng và chậm rãi, và thư giãn mỗi lần thở ra. Lặp lại với đùi, mông và bụng.
- Chuyển sự chú ý đến vai và cổ. Nhẹ nhàng căng vai và giữ yên trong giây lát. Khi thở ra, thư giãn – hạ vai xuống và giãn cổ ra. Tiếp tục làm như vậy chừng một hoặc hai phút.
- Kế tiếp, nhận biết các ngón tay, bàn tay, và cánh tay. Khi đã sẵn sàng, căng các cơ này trong giây lát trước khi thả ra từ từ. Thở ra để loại hết các căng thẳng còn lại trong cánh tay và làm lại các động tác nói trên trong vài phút.
Phương pháp PMR đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Ảnh: Freepik.
- Bây giờ, tập trung vào mặt và đầu – môi, má, mí mắt, mũi, trán và da đầu. Nhẹ nhàng nhăn mũi, mím môi, nhắm chặt mắt, và nhíu mày. Giữ yên trong giây lát và rồi thư giãn khi thở ra. Chú ý đến sự khác biệt giữa cảm giác căng thẳng và thư giãn. Tiếp tục làm các động tác này trong vòng vài phút.
- Để kết thúc, hãy chú ý trở lại đến hơi thở của mình. Hít vào một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Tận hưởng cảm giác thư giãn khắp cơ thể của mình. Khi bạn sẵn sàng, mở mắt và đưa sự chú ý trở về nơi chốn của mình.
Nguồn: Elle.vn