14 THÓI QUEN HỮU ÍCH NHẤT GIÚP BẠN THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG LƯỜI BIẾNG TẠI NƠI LÀM VIỆC

14 THÓI QUEN HỮU ÍCH NHẤT GIÚP BẠN THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG LƯỜI BIẾNG TẠI NƠI LÀM VIỆC

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể duy trì nguồn năng lượng tích cực và hoàn thành xuất sắc tất cả công việc trong ngày. Sẽ có lúc, bạn cảm thấy mất động lực, uể oải, và không thể tập trung để hoàn tất các mục tiêu mà bạn đã đặt ra. Nếu tình trạng này kéo dài, năng suất lao động sẽ bị suy giảm và chất lượng công việc sẽ ngày càng đi xuống.

Dưới đây là 14 thói quen hữu ích giúp bạn duy trì động lực và tránh tình trạng lười biếng, mệt mỏi khi làm việc. 

1. LẬP THỨ TỰ ƯU TIÊN CHO CÁC ĐẦU VIỆC

Khi bạn có nhiều đầu việc cần phải hoàn thành trong một khoảng thời gian gian nhất định, hãy thiết lập một bảng thứ tự ưu tiên giúp bạn thực hiện tất cả các công việc trong ngày một cách thuận lợi hơn. Trước tiên, bạn cần sắp xếp các đầu việc theo thứ tự từ quan trọng nhất cho đến ít quan trọng nhất, dựa trên các tiêu chí như: hạn chót cần hoàn thành, yêu cầu của khách hàng, những yêu cầu của đồng nghiệp… Phương pháp này giúp bạn hoàn thành mọi công việc đúng thời hạn, đồng thời thúc đẩy sự tự tin và cho bạn thêm động lực để đương đầu với những thử thách mới.

cô gái có thói quen viết lách không lười biếng

Ảnh: Pexels/Ivan Samkov

2. CHIA CÁC CÔNG VIỆC, DỰ ÁN THÀNH CÁC ĐẦU VIỆC NHỎ HƠN

Một kế hoạch dài hơi có thể khiến bạn choáng ngợp và dễ nản lòng. Để tránh cảm thấy áp lực và lâm vào tình trạng lười biếng, hãy chia các dự án, kế hoạch của bạn thành các mục tiêu hoặc đầu việc nhỏ hơn. Bạn có thể xác định những cột mốc cần đạt được trong quá trình thực hiện dự án của bản thân và đặt ra thời hạn hoàn thành cho bản thân. 

Ví dụ, bạn đang viết một quyển sách và phải hoàn thành bản thảo gồm 60.000 chữ vào cuối tháng, hãy xác định số lượng chữ bạn cần đạt được trong một ngày từ đó dễ dàng theo dõi và hoàn thành mục tiêu của bản thân. Phân nhỏ các công việc lớn thành các đầu việc nhỏ hơn giúp bạn có cái nhìn tổng thể về tiến độ hoàn thành công việc, bạn cũng cảm thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc của mình.

3. XÁC ĐỊNH VÀ GIẢM THIỂU NHỮNG YẾU TỐ GÂY XAO NHÃNG

Thói quen này có thể giúp ích nếu bạn là người thường xuyên làm việc tại nhà – nơi có nhiều yếu tố gây xao nhãng hơn tại văn phòng. Hãy đặt ra giới hạn và lên kế hoạch tránh tiếp xúc với các yếu tố gây mất tập trung như thú nuôi, người nhà, các trò chơi điện tử, tivi, các tạp âm… Hãy thiết lập một không gian làm việc riêng ngăn cách hoàn toàn với các yếu tố gây xao nhãng trong ngôi nhà của bạn để có thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc. 

Smartphone là một trong những yếu tố dễ gây mất tập trung khi làm việc. Vì thế, hãy tắt hết mọi thông báo, chuyển sang chế độ máy bay hoặc để smartphone ngoài tầm mắt. Những phương pháp này có thể giúp bạn tăng năng suất làm việc và tránh lâm vào tình trạng lười biếng.

cô gái làm việc chăm chỉ không lười biếng trên giường

Ảnh: Pexels/Ivan Samkov

4. DÀNH NHIỀU KHOẢNG NGHỈ TRONG LỊCH TRÌNH LÀM VIỆC CỦA BẠN

Khi gần đến thời hạn hoàn thành công việc, chúng ta có xu hướng làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu không dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn sẽ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Vì thế, thiết lập các khoảng nghỉ xen kẽ trong lịch trình làm việc giúp bạn phục hồi tinh thần, tăng khả năng làm việc và giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trước khi nhận nhiệm vụ mới. Thực hiện một số bài tập thể dục ngắn như đi dạo quanh văn phòng, giãn cơ có thể giúp bạn khôi phục năng lượng tạm thời và tăng khả năng tập trung.

5. NGHE CÁC THỂ LOẠI NHẠC GIÚP BẠN TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG

Âm nhạc là công cụ tuyệt vời giúp tăng năng suất làm việc, giảm tình trạng lười biếng tại văn phòng và cải thiện khả năng tập trung. Mặc dù mỗi người sẽ có sở thích âm nhạc khác nhau, tuy nhiên, bạn không nên nghe nhạc có lời hoặc những bài hát có nhiều âm thanh hỗn tạp. Các thể loại nhạc phổ biến giúp ích trong việc cải thiện năng suất làm việc bao gồm nhạc cổ điển, nhạc thiên nhiên và nhạc nền. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó tập trung khi vừa nghe nhạc vừa làm việc, bạn có thể làm việc trong im lặng hoặc chọn những vị trí yên tĩnh để làm việc hiệu quả hơn.

cô gái nghe nhạc và làm việc không lười biếng

Ảnh: Pexels/Pavel Danilyuk

6. XÁC ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC

Hãy dành thời gian để xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà bạn muốn đạt được. Sau đó, bạn hãy lên kế hoạch chi tiết với các bước cụ thể để hiện thực hóa những mục tiêu này. Bên cạnh đó, hãy viết những câu động viên và câu khẳng định tích cực ra giấy, sau đó dán chúng ở những vị trí bạn có thể nhìn thấy thường xuyên. Một số câu khẳng định mà bạn có thể dùng như: “Tôi sẽ hoàn thành quyển sách đầu tay của bản thân vào cuối tháng này”, “Tôi sẽ hoàn thành tất cả các công việc trong ngày một cách chỉn chu”, “Tôi có đủ khả năng để hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn trong ngày”…

7. DI CHUYỂN XUNG QUANH

Trong lúc làm việc, để tránh tình trạng uể oải và lười biếng, hãy dành thời gian thực hiện các bài tập nhỏ như đi dạo quanh công ty, văn phòng, giãn cơ hoặc đi cầu thang… Các hoạt động này có thể giúp bạn tỉnh táo hơn và cải thiện tâm trạng. Bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ trưa để cùng đồng nghiệp đi dạo thay vì ngồi yên một chỗ suốt cả ngày.

8. TỰ THƯỞNG CHO BẢN THÂN KHI HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC

Trước khi bắt đầu một nhiệm vụ thử thách, hãy nghĩ đến một phần thưởng nhỏ dành cho bản thân sau khi hoàn thành công việc để thúc đẩy bản thân làm việc tích cực hơn và tránh lâm vào tình trạng lười biếng. Bạn có thể tự thưởng cho mình một ly cà phê yêu thích sau khi trả lời hết mọi email, hay mua cho bản thân một quyển sách mới sau khi kết thúc một dự án nào đó.

cô gái uống nước tại quán

Ảnh: Unsplash/Nate Johnston

9. SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ THỜI GIAN

Pomodoro (Phương pháp quả cà chua) là phương pháp quản lý thời gian hiệu quả trong công việc. Khi thực hiện phương pháp này, bạn sẽ dành 25 phút tập trung hoàn toàn vào công việc, sau đó dành 5 phút nghỉ ngơi và lại tiếp tục quay trở lại phiên làm việc 25 phút mới. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải thực hiện một phiên làm việc 25 phút theo phương pháp quả cà chua. Bạn có thể tập trung toàn lực vào công việc trong 30-60 phút, sau đó dành 10 phút nghỉ ngơi để thư giãn, thực hiện các bài tập thể dục ngắn, đi lại quanh văn phòng, bắt chuyện cùng đồng nghiệp… Thiết lập phương pháp quản lý thời gian khoa học giúp bạn cải thiện khả năng tập trung và hoàn thành các đầu việc một cách nhẹ nhàng hơn.

10. ĐÁNH DẤU CÁC ĐẦU VIỆC ĐÃ HOÀN THÀNH

Khi hoàn tất một đầu việc trong danh sách công việc hằng ngày, hãy gạch chéo hoặc đánh dấu X vào đầu việc đó. Điều này giúp bạn cảm thấy thỏa mãn vì đã hoàn thành một thành tựu trong ngày, từ đó bạn sẽ có thêm động lực để hoàn tất những đầu việc tiếp theo.

11. THỰC HIỆN CÁC BÀI TẬP CHÁNH NIỆM

Dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để thực hiện các bài tập chánh niệm như thiền định, vẽ nguệch ngoạc trên giấy… có thể giúp bạn xua tan căng thẳng và tránh tình trạng trì trệ, lười biếng trong suốt ngày làm việc. Bạn có thể tải các ứng dụng thiền định hoặc xem hướng dẫn từ các video trên YouTube. Một bài tập chánh niệm hữu ích khác đó là đi bộ. Sau giờ làm bạn có thể dành vài phút dạo bộ quanh công viên để thả lỏng tâm trí. Các bài tập chánh niệm giúp bạn điều tiết cảm xúc, giúp bạn ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng tập trung và năng suất làm việc của bạn.

cô gái thực hành yoga để không lười biếng

Ảnh: Pexels/Cliff Booth

12. LÊN KẾ HOẠCH LÀM VIỆC TỪ TỐI NGÀY HÔM TRƯỚC

Nếu lịch trình của bạn thay đổi theo ngày và mỗi ngày bạn đều phải tiếp nhận những thử thách mới, việc lên kế hoạch làm việc từ tối hôm trước là điều cần thiết. Hãy lập danh sách những công việc cần làm và ước lượng thời gian cần hoàn thành cho mỗi đầu việc. Nếu bạn phải đảm nhận khối lượng công việc lớn, hãy sắp xếp các đầu việc theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất (tương tự như thói quen số 2) và ưu tiên thực hiện những đầu việc ở đầu danh sách. Điều này sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về một ngày làm việc của bản thân, giúp bạn hạn chế lâm vào tình trạng lười biếng và trì hoãn.

13. THỰC HIỆN MỘT HOẠT ĐỘNG BẠN YÊU THÍCH TRƯỚC KHI ĐI LÀM

Dành 15-30 phút mỗi sáng để làm những điều bạn yêu thích như nghe nhạc, nghe podcast, thưởng thức cà phê, chăm sóc da… để bắt đầu ngày mới bằng năng lượng tích cực. Hạn chế tình trạng vội vã vào buổi sáng bởi điều này có thể khiến bạn bị cạn kiệt năng lượng và trở nên căng thẳng.

CÔ GÁI UỐNG CÀ PHÊ

Ảnh: Pexels/Vlada Karpovich

14. DÀNH THỜI GIAN NHÌN LẠI MỘT NGÀY LÀM VIỆC

Vào cuối ngày làm việc, dành một khoảng thời gian để ghi vào nhật ký và nhìn lại những điều mình đã hoặc chưa đạt được trong ngày. Với những công việc còn dang dở, hãy lập kế hoạch để cải thiện vào ngày tiếp theo. Thói quen này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về cuộc sống cũng như giúp bạn cảm thấy thỏa mãn về những thành tựu mà bản thân đã đạt được trong ngày. 

Nguồn: Elle.vn

Quay lại blog