Bạn nghĩ rằng ngủ là phương pháp tốt nhất để nạp lại năng lượng sau một ngày mệt mỏi? Thực tế, có rất nhiều cách giúp bạn tận dụng thời gian trong ngày để có thêm năng lượng ngoài việc ngủ.
Có nhiều yếu tố hằng ngày khiến đa số chúng ta thường xuyên rơi vào trạng thái mất cân bằng và thiếu năng lượng: tâm lý căng thẳng, chất độc hại từ môi trường sống, tác động từ chế độ dinh dưỡng… Theo thời gian, khi chúng ta lão hóa, các hệ thống hoạt động quá tải trong cơ thể không thể chống đỡ được những lối sống độc hại của chúng ta như khi còn trẻ như: thức khuya, ngủ không đủ giấc, chế độ ăn nhiều đường, ít chất xơ và đạm… Do đó, chúng ta cần phải học cách cân bằng mọi mặt trong cuộc sống để nuôi dưỡng và cân bằng thể chất, để từ đó phát triển lành mạnh hơn.
Bạn có thể tham khảo 9 cách trong bài viết sau để chăm sóc cơ thể nhằm cân bằng và đảm bảo năng lượng hằng ngày. Dù thế, thể trạng mỗi người là khác nhau, bạn nên cân nhắc, tìm hiểu và lựa chọn cách thức phù hợp nhất với bản thân mình.
1. HỖ TRỢ HỆ THỐNG BẠCH HUYẾT CỦA BẠN
Ảnh: Unsplash/Dane Wetton
Hệ thống bạch huyết là một mạng lưới phức tạp bao gồm các mạch, tuyến và cơ quan chứa đầy chất lỏng có mặt khắp cơ thể. Mặc dù chúng ta có thể không nhìn thấy hoặc cảm nhận được chúng, nhưng hệ thống bạch huyết là con đường giải độc quan trọng của cơ thể. Nó làm sạch độc tố và bảo vệ chúng ta khỏi những chất độc hại. Hệ thống bạch huyết hoạt động bằng cách mang các chất độc ra khỏi các mô và máu. Các chất độc sẽ được xử lý bởi hai trong số các cơ quan giải độc chính của cơ thể: gan và thận.
Bạn có thể hỗ trợ hệ thống bạch huyết giải độc bằng cách cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, tập thể dục thường xuyên, mát-xa thư giãn và áp dụng các kỹ thuật thở hoặc thực hiện các bài tập yoga tập trung vào hơi thở.
Đôi khi, chúng ta cần giữ cho hệ thống giải độc của cơ thể luôn được sạch sẽ bằng cách thanh lọc cơ thể thông qua việc bổ sung các loại thực phẩm nguyên chất và xây dựng thói quen chăm sóc bản thân lành mạnh.
2. ĂN NHIỀU THỰC PHẨM CHỨA PROTEIN
Để có thêm năng lượng ngoài việc ngủ, bạn nên bắt đầu mỗi ngày bằng các thực phẩm chứa chất béo và protein lành mạnh. Bạn có thể bắt đầu ngày mới với sinh tố việt quất kết hợp cùng bột protein, hoặc bữa sáng gồm trứng, rau xanh và bơ. Bạn nên lưu ý thường xuyên bổ sung protein trong mỗi bữa ăn và không được để bụng đói quá 4 tiếng, đặc biệt nếu bạn bị mất cân bằng lượng đường trong máu. Bạn có thể bổ sung protein và chất béo lành mạnh qua các món ăn nhẹ hằng ngày kết hợp với sốt hummus, sốt pesto, sốt kem guacamole, trứng luộc, các loại hạt và rau.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (low glycemic index). Những thực phẩm này có khả năng chuyển hóa lượng đường trong máu một cách chậm rãi, giúp bạn cảm thấy cân bằng hơn. Thực phẩm có lượng đường huyết thấp bao gồm các loại quả mọng, rau, các loại hạt… và thực phẩm giàu protein. Ngoài ra, bạn cũng nên tiêu thụ nhiều protein hơn từ các thực phẩm như kiều mạch, rau dền, rau bina, đậu hũ tempeh, sữa chua, trứng, quả goji, hạt chia hoặc các loại bột protein. Bạn cũng có thể kết hợp một số thực phẩm khác để tăng thêm protein trong khẩu phần ăn của mình như: đậu và gạo, các loại hạt và ngũ cốc (bột yến mạch kèm các loại hạt chẳng hạn), đậu lăng và gạo.
3. UỐNG NHIỀU NƯỚC
Ảnh: Unsplash/Quokkabottles
Khi bạn uống nước đúng cách, lượng muối dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, giúp ngăn chặn tình trạng sưng tấy và đầy hơi – một trong những yếu tố có thể gây khó chịu và cạn kiệt năng lượng. Uống đủ nước cũng đảm bảo cơ thể bạn có thể loại bỏ thường xuyên các độc tố và hỗ trợ sự điều tiết của tất cả các cơ quan trong cơ thể, giúp giảm tải khối lượng làm việc cho các bộ phận cơ thể.
4. GIẢM TIÊU THỤ CAFFEINE
Caffeine có thể gây ra các biến động đối với lượng đường trong máu, gây ảnh hưởng đến các tuyến thượng thận. Bên cạnh đó, caffeine cũng kích thích hệ thần kinh, làm gia tăng cortisol và adrenalin trong cơ thể. Loại bỏ hoặc giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể sẽ giúp giảm các cơn đau, cơn chuột rút, giảm các tác động đến nội tạng và giảm căng thẳng toàn thân. Đồng thời , điều này sẽ tạo điều kiện cho tuyến thượng thận của bạn được cân bằng và chữa lành.
5. BỔ SUNG CHẤT XƠ
Ảnh: Pexels/Mikkhail Nilov
Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau cải và trái cây ít đường sẽ giúp cơ thể loại bỏ hiệu quả các hormone căng thẳng từ ruột và gan, đặc biệt là estrogen. Bạn cũng nên tiêu thụ các loại rau họ cải (cải bẹ xanh, cải bó xôi, cải thìa…) vì chúng chứa nhiều indole-3 carbinol – một hợp chất hỗ trợ giải độc gan hiệu quả. Những nguồn thực phẩm này cũng chứa nhiều protein và vitamin B, giúp nuôi dưỡng hệ thống nội tiết và hỗ trợ tuyến thượng thận.
6. GIẢM TIÊU THỤ ĐƯỜNG TINH LUYỆN
Khi bạn mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, tình trạng thèm đồ ngọt có xu hướng xuất hiện do lượng hormone cortisol sản sinh. Thế nhưng những thực phẩm công nghiệp nhiều đường như bánh quy, nước uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên đột ngột. Khi lượng đường huyết bắt đầu giảm sau đó, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.
Hạn chế tiêu thụ đường sẽ giúp tâm trạng và lượng đường trong máu ổn định hơn. Đối với phụ nữ đang trong chu kỳ, hãy ăn khoai lang để cung cấp chất ngọt tự nhiên và chất chống oxy hóa, chất xơ cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên tiêu thụ nhiều bơ và chuối, cả hai thực phẩm này đều rất giàu kali và vitamin B6, đóng vai trò rất lớn trong việc điều tiết tâm trạng, giảm cơn khó chịu và căng tức ngực. Kali cũng giúp giảm tích nước và giảm đầy hơi cho cơ thể, thiếu kali có thể dẫn đến tình trạng chuột rút.
7. GIẢM TIÊU THỤ MUỐI TINH LUYỆN
Tiêu thụ quá nhiều muối đã qua chế biến sẽ làm tăng sự giữ nước của cơ thể, dẫn đến tình trạng đầy hơi và mệt mỏi. Bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm giàu natri như súp đóng hộp hay đồ ăn nhẹ đóng gói, tiêu thụ nhiều natri cũng khiến cơ thể mất cân bằng nước và dẫn đến nguy cơ loét dạ dày. Bên cạnh đó, phụ nữ nên giảm tiêu thụ muối vào tuần trước chu kỳ và có thể thay thế muối tinh luyện bằng muối Himalaya giàu khoáng chất, có lượng natri thấp.
8. SỬ DỤNG CÁC LOẠI THẢO MỘC
Ảnh: Unsplash/Toa Heftiba
Bạn cũng có thể bổ sung nghệ vào khẩu phần hằng ngày, giúp giảm viêm do tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, dùng trà hoa cúc cũng có tác dụng phục hồi năng lượng rất tốt vì đặc tính làm giảm co thắt cơ. Do đó, những thực phẩm này có thể giúp giảm các cơn đau bụng trong những ngày đèn đỏ. Hoa cúc cũng có tác dụng làm giảm căng thẳng và lo âu.
Thêm vào đó, trà lá mâm xôi đỏ cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể vì chứa nhiều vitamin B, làm săn chắc tử cung, giảm đau bụng. Bạn cũng có thể dùng trà cây kế sữa và trà bồ công anh để thanh lọc gan, hỗ trợ tiêu hóa và điều hòa lượng đường trong máu.
9. BỔ SUNG CÁC KHOÁNG CHẤT
Ảnh: Pexels/Aidar Khairullin
Để có thêm năng lượng, bạn nên bổ sung một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tiêu thụ thực phẩm giàu magie rất quan trọng trong việc điều chỉnh hàng trăm chức năng trong cơ thể. Magie có thể điều tiết tâm trạng, giúp giảm bực dọc, khó chịu, giảm tình trạng ngủ mơ màng, đau đầu, đầy hơi và tình trạng cơ thể tích nước. Một số thực phẩm giàu magie phổ biến có thể kể đến là hạt bí ngô, rau màu xanh đậm, quả sung và chuối.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có thể tăng cường thực phẩm giàu chất sắt trước và trong thời gian hành kinh để hỗ trợ tình trạng thiếu máu. Các thực phẩm cung cấp lượng chất sắt dồi dào bao gồm: củ cải đường, rau bina, rau màu xanh đậm, hạt bí ngô, hạt vừng, đậu lăng, đậu xanh, đậu xanh, đậu tây, ô liu và trà tầm ma… Ngoài ra, mật mía đen cũng chứa đến 3,5 mg sắt trong mỗi muỗng canh, và đã được sử dụng trong y học dân gian như một “chất tạo máu” cho phái nữ trong nhiều thế kỷ.
Nguồn: Elle.vn