Mùi cơ thể là một hiện tượng xảy ra khi mồ hôi của bạn gặp phải vi khuẩn trên da, tác động từ môi trường làm biến đổi và bốc mùi. Đó là một hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Đôi khi mùi này nồng hơn do ảnh hưởng từ thực phẩm mà bạn ăn. Nhưng cũng có lúc, mùi cơ thể trở nên khó ngửi là dấu hiệu sức khỏe của bạn có vấn đề. “Tình trạng sức khỏe của một người có thể trực tiếp phản ánh thông qua mùi hơi thở, mùi mồ hôi và mùi chất thải”, Tamara Duker Freuman, thầy thuốc chuyên khoa ăn uống ở New York cho biết. Khi mùi cơ thể trở nên bất thường dù chế độ ăn uống của bạn không thay đổi, hãy thử kiểm tra một số phương diện sau:
STRESS GÂY RA MÙI CƠ THỂ
Nếu nguyên nhân gây mùi cơ thể không đến từ thực phẩm bạn ăn, nó có thể đến từ trạng thái tâm lý của bạn như: tình trạng hoảng sợ, lo lắng kéo dài, cãi vã nghiêm trọng với người yêu, quá tải áp lực công việc,… Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mùi cơ thể thay đổi, trở nên nhạt hơn hoặc hăng nồng, khó ngửi hơn chính là stress.
Theo phòng khám Mayo Clinic, cơ thể của bạn có 2 loại tuyến mồ hôi. Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) nằm rải rác khắp nơi trên da, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, sản xuất ra mồ hôi nhiều nhất khi bạn tập thể dục. Tuyến mồ hôi thứ hai là tuyến đầu hủy (apocrine) hay còn gọi nôm na là tuyến mồ hôi dầu chỉ có ở nách và vùng sinh dục, sản xuất ra mồ hôi chứa nhiều axít béo, biến chất khi gặp vi khuẩn trên da, từ đó tạo ra mùi cơ thể. Khi bạn bị stress, tuyến mồ hôi dầu trong cơ thể bị thúc đẩy tăng cường sản sinh ra mồ hôi nhiều hơn bình thường, khiến cơ thể bạn nặng mùi hơn dù vẫn giữ vệ sinh sạch sẽ.
MỘT SỐ LOẠI BỆNH
Hội chứng “cơ thể có mùi cá”: Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa nằm trong gien, trong đó cơ thể không chuyển hóa trimethylamine có trong những thực phẩm mùi tanh, làm cho chất này tích tụ bên trong cơ thể và khi được bài tiết ra ngoài qua đường mồ hôi, nước tiểu và hơi thở, phát ra mùi hôi như mùi cá hoặc trứng ung.
Bệnh phenylketon niệu: Đây là một dạng bệnh rối loạn chuyển hóa axít amin, người mắc bệnh này có mùi cơ thể giống như mùi con chuột.
Một số vấn đề về sức khỏe khác có thể làm mùi hơi thở và mùi mồ hôi trở nên khó chịu như: các bệnh về gan, tiểu đường, thận, bao tử…
GIẢI PHÁP
Dựa theo nguyên nhân gây ra mà bạn có thể có giải pháp phù hợp với từng trường hợp. Với mùi cơ thể gây ra do thực phẩm, loại bỏ hoặc hạn chế tối đa thực phẩm, gia vị nặng mùi, dầu mỡ. Nếu mùi do stress, bạn cần học cách thư giãn, tập thể dục đều đặn và điều chỉnh chất lượng giấc ngủ.
Nếu bạn không đành lòng từ bỏ món bánh mì bơ tỏi yêu thích, hãy thử những phương pháp khử mùi như:
- Sản phẩm lăn, xịt khử mùi diệt khuẩn
- Thoa phấn rôm thấm hút bớt mồ hôi
- Nhỏ 1-2 giọt tinh dầu bạc hà lên lưỡi (bạc hà hấp thụ và lưu chuyển theo đường tuần hoàn máu, giúp khử bớt mùi hôi trong mồ hôi)
- Viên uống hỗ trợ giảm mùi cơ thể (chứa chất xơ từ trái cây, diệp lục từ lá xanh hoặc hoạt chất thải độc từ than hoạt tính)
Dĩ nhiên, nếu mùi của bạn đến từ bệnh lý, bạn cần tham khảo bác sĩ trước khi uống bất cứ loại thực phẩm chức năng nào, kể cả nó có vẻ như vô hại, không có tác dụng phụ.
Nguồn: Elle.vn