Rất nhiều lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm tại Nhật Bản, bao gồm những lễ hội kỳ quặc được gọi chung là kisai. Những lễ hội này thậm chí còn kỳ lạ với chính người dân Nhật Bản. Bài viết giới thiệu những lễ hội kisai vào mùa đông tại Nhật Bản mà ngoài chiêm ngưỡng, du khách còn có thể tham gia trực tiếp.
Kakunodate Hiburi Kamakura, tỉnh Akita
Lễ hội truyền thống này được tổ chức tại thị trấn Kakunodate từ thời Edo (1603-1868). Đây là lễ hội sử dụng lửa – yếu tố thanh tẩy thường thấy trong văn hóa Nhật Bản, để xua đuổi ma quỷ, những linh hồn tà ác. Để thực hiện nghi thức thanh tẩy này, những chiếc túi rơm được buộc vào đầu dây thừng rồi được đốt cháy và quay vòng quanh cơ thể người tham gia.
Du khách cũng có thể tham gia lễ hội Hiburi Kamakura. Bạn chỉ cần trả phí để mua những chiếc túi rơm đựng than đá buộc vào đoạn dây thừng dài khoảng 1m. Những người dân địa phương sẽ hướng dẫn và quay sợi dây quanh người du khách. Sau khi nghi thức diễn ra, người ta thường mang sợi dây thừng về nhà với niềm tin vật này sẽ giúp họ tránh khỏi rủi ro và những điều không may.
Kasedori, tỉnh Yamagata
Một lễ hội dân gian khác cũng bắt nguồn từ thời Edo là lễ hội Kasedori – nghĩa là người chim bằng rơm. Du khách có thể cùng người dân địa phương tham gia té những xô nước lên những thanh niên trẻ mặc trang phục kết từ rơm có tên kendai.
Trong lúc hoạt động té nước diễn ra, mọi người hô khẩu hiệu “Kakkakka no Kakkakka” để mô phỏng tiếng kêu của con chim. Nghi thức kỳ lạ này xuất phát từ niềm tin của người dân bản địa để cầu nguyện cho mùa màng bội thu và làm ăn phát đạt, kinh doanh thịnh vượng. Người dân địa phương còn tin rằng nhặt những sợi rơm rơi từ người các kendai và buộc lên mái tóc của các bé gái có thể giúp các em có mái tóc đen dày và gặp nhiều may mắn.
Những người tham gia té nước vào những người chim kasedori thường là chủ các cửa hiệu, nhà hàng địa phương để cầu mong năm mới làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, du khách cũng có thể hòa mình vào lễ hội qua việc xin một xô nước và té vào những người chim để cầu mong may mắn đến với mình trong năm mới.
Lễ hội Akutai, tỉnh Ibaraki
Mang ý nghĩa là lễ hội nguyền rủa, nguồn gốc của lễ hội Akutai có nhiều dị bản khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng lễ hội do một lãnh chúa khởi xướng, là dịp để người dân địa phương có thể bày tỏ những điều họ chưa hài lòng. Truyền thuyết khác lại cho rằng lễ hội là nghi thức xua đuổi ma quỷ, những linh hồn tà ác và bệnh tật.
Điểm khác lạ của lễ hội là 13 vị thầy tế đạo Shinto mang trang phục của những con quỷ Tengu đi theo hành trình từ đền Iitsuna tới đền Atago. Trên đường đi, các thầy tu sẽ phát đồ cúng của họ tại 16 ngôi đền nhỏ mà họ đi qua.
Đám đông người tham gia lễ hội theo sau các thầy tu, chửi rủa và cố cướp đồ cúng của họ. Du khách có thể nhập vào đám đông này, theo chân các thầy tu trên quãng đường núi mất khoảng 2 giờ đi bộ, hô vang khẩu hiệu “Bakayaro” (nghĩa là “đồ ngốc”) cùng những lời chửi rủa khác. Tại điểm đến cuối cùng là đền Atago, các thầy tu tung bánh gạo cho đám đông và tất cả hô vang khẩu hiệu “bakayaro” ba lần để kết thúc lễ hội.
Lễ hội Nozawa Onsen Dosojin, tỉnh Nagano
Được xếp vào một trong ba lễ hội lửa lớn nhất Nhật Bản, lễ hội Nozawa Onsen Dosojin là dịp người dân địa phương dựng một ngôi đền bằng gỗ rồi châm lửa đốt. Quá trình dựng ngôi đền từ gỗ, cây gai dầu mất khoảng hai ngày.
Vào ngày diễn ra lễ hội, dân làng sẽ chia làm hai đội thi đấu với nhau. Một đội cố gắng bảo vệ ngôi đền trong khi đội còn lại tìm cách châm lửa đốt ngôi đền gỗ. Cuối cùng, ngôi đền được đốt để cầu mong mùa màng sung túc, sức khỏe và may mắn cho dân làng trong năm mới.
Dưới sức nóng tỏa ra từ ngọn lửa, giá lạnh của mùa đông Nhật Bản bị xua tan và đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Tất cả cùng hy vọng một năm mới may mắn và hạnh phúc sẽ đến từ hình ảnh đống lửa khổng lồ bùng cháy mạnh mẽ.
Ngày tiếp theo, dân làng tập trung làm bánh gạo tại địa điểm đốt lửa tối hôm trước. Người ta tin rằng sẽ tránh khỏi bệnh cảm cúm trong cả năm nhờ ăn một chiếc bánh gạo trong dịp này.
Theo Dân trí