Theo nếp sống văn hóa mới, lễ hóa vàng nên tổ chức nhẹ nhàng, không nên đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.
Theo truyền thống từ xa xưa, sau khi mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu, từ ngày mùng 3 Tết, khi tiệc xuân đã mãn, con cháu lại soạn lễ để cúng tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh. Đây còn gọi là “lễ hóa vàng”.
Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Vì thế, các vật phẩm để cúng trên bàn thờ như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến này hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu ).
Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên, hay lễ tạ năm mới.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.
Theo Đại đức Thích Giác Nguyên (Nam Định), ngày lễ hóa vàng bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đến chư Phật, thần linh, gia tiên… đã luôn yểm trợ, phù hộ cho gia chủ trong một năm qua.
Lễ hóa vàng cũng chính là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông.
Trước đây, lễ hóa vàng thường được tổ chức vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết, nhưng nay tùy điều kiện của mỗi gia đình, lễ hóa vàng cũng được tổ chức linh động hơn. Thông thường, lễ hóa vàng được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 Tết. Một số gia chủ cho rằng, ngày mùng 10.1 âm lịch là ngày vía thần Tài nên các gia đình làm lễ hóa vàng trước ngày mùng 10 sẽ tốt hơn.
Lễ hóa vàng gia chủ nên chuẩn bị: Mâm ngũ quả, hương, hoa, tiền vàng, đèn nến, trầu cau, rượu. Mâm cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Tuy nhiên, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống.
Ngày nay, quan niệm đời sống tâm linh đã nhẹ nhàng hơn, gia chủ không cần bày biện quá nhiều lễ vật. Đồ làm lễ nên chọn những nông sản tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhẹ nhàng, thanh tịnh càng tốt.
Sau khi hóa vàng, gia chủ cũng "hóa" 2 cây mía bằng cách hơ trên lửa hóa vàng mã. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, hai cây mía này được coi là đòn gánh để tổ tiên gánh tiền vàng, đồ mã về cõi âm. Đây cũng là vũ khí chống lại bọn quỷ sứ muốn cướp vàng đi.
Theo nếp sống văn hóa mới, lễ hóa vàng nên tổ chức nhẹ nhàng, không nên đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Sau khi cúng tạ thần linh, đưa tiễn ông bà về cõi âm, coi như là hết Tết, gia chủ lại hướng đến một năm mới với nhiều việc thiện, làm việc hăng say và giúp đỡ cộng đồng, xã hội… để tích nhiều phúc đức, chuẩn bị cho một tết năm sau no ấm và đủ đầy hơn.
Nguồn: laodong.vn