Vào dịp Tết cổ truyền (Oshougatsu), người Nhật thường tặng nhau món quà Tân niên thay cho lời chúc với hàm ý cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với người nhận. Với người Nhật, tặng quà là một nghệ thuật, mỗi món quà đều ẩn chứa những giá trị sâu sắc và tinh tế.
NGHỆ THUẬT GÓI QUÀ ĐẦY TINH TẾ
Người Nhật đặc biệt chú trọng sự tỉ mỉ, cầu kì trong cung cách chuẩn bị và trang trí món quà, vì họ xem đây là nghệ thuật giao tiếp tinh tế và mang nhiều hàm nghĩa đặc biệt. Theo quan niệm của người Nhật, món quà được trang trí khéo léo, thể hiện tròn vẹn tấm lòng Tri kỷ, sự tôn trọng tối thượng dành cho đối phương.
Cung cách tỉ mỉ của người dân xứ Phù Tang đầu tiên thể hiện qua việc chọn màu sắc, những sắc độ nóng như đỏ hay vàng kim thường được người Nhật lựa chọn trong các dịp lễ Tết. Theo tài liệu cổ, màu đỏ (Aka – 赤) là một trong bốn màu sắc xuất hiện đầu tiên trong xã hội Nhật Bản, biểu trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp, mang ý nghĩa linh thiêng về mặt tôn giáo. Màu vàng kim (Kin – 金) tượng trưng cho sự sung túc và uy tín, đồng thời đại diện cho sự chân thành – dựa theo 6 phẩm chất trong Nho giáo.
Ảnh: Pinterest
Trong văn hóa Nhật Bản, người Nhật đặc biệt chú ý đến hình thức của món quà. Nghĩa là món quà đó được gói như thế nào, trang trí ra sao. Thậm chí họ còn coi trọng hình thức món quà hơn giá trị sử dụng nó. Bởi qua cách gói, trang trí món quà đó thể hiện sự khéo léo, để ý quan tâm hay coi trọng món quà mà người đó mang tặng hay không, nó thể hiện tình cảm, cử chỉ, tính cách của người tặng và đem lại cho họ một món quà thật sự ý nghĩa. Chính vì thế mà món quà của người Nhật được trang trí rất công phu và có những giá trị biểu trưng rất cao. Cách gói quà của họ cũng rất cầu kỳ, bên trong ba lớp, bên ngoài ba lớp và cuối cùng thắt một sợi dây lụa, dây giấy xinh đẹp. Người Nhật cho rằng nút thắt vặn theo hình dây thừng có gửi gắm linh hồn con người, bày tỏ tấm lòng của người tặng quà.
Ảnh: Pinterest
QUÀ TẶNG MANG TÍNH BIỂU TRƯNG CAO
Sự tinh tế trong nghệ thuật tặng quà Nhật Bản không chỉ nằm ở hình thức bắt mắt, mà còn mang giá trị biểu trưng cao. Các quốc gia Á Đông thường có nhiều quan niệm cố hữu về các biểu tượng may mắn, trong đó, Nhật Bản là quốc gia có tín ngưỡng Thần đạo gắn liền với nền văn hóa lâu đời. Vì vậy, người Nhật thường đặc biệt chú trọng lựa chọn những món quà năm mới bao hàm những ý nghĩa tượng trưng cho những điều tốt lành.
Tượng hổ được đặt tại cổng đền Tatsumizu ở thành phố Tsu, Nhật Bản để chào đón du khách trước thềm năm mới 2022.
Chịu ảnh hưởng từ hai tôn giáo chính thống là Thần đạo và Phật giáo, giai thoại về năm vị thần thú bảo hộ Kỳ Lân, Kim Long, Chu Tước, Kim Quy và Hoàng Hổ vẫn luôn được tương truyền rộng rãi tại Nhật Bản, trong các buổi biểu diễn Kagura (biểu diễn Thần đạo), Kabuki hay kịch Noh truyền thống. Trong đó, Hổ là giống hùm thiêng ngự trị tối cao, đại diện cho sự dũng mãnh nơi sa trường. Tại Nhật Bản, Hoàng Hổ (Tora) được xem như vị thần bảo hộ phương Tây, được dân gian sánh đôi với Rồng – linh thú sở hữu quyền năng tối thượng trong tự nhiên. Trong năm Nhâm Dần 2022 (Tora-doshi), người Nhật đặc biệt ưa chuộng món quà tân niên gắn liền với hình tượng thần thú Hoàng Hổ để tri ân những mối quan hệ mà họ đặc biệt trân quý, với mong muốn phát triển công danh, thu hút tài lộc và giữ an bản mệnh cho người nhận.
ĐỀ CAO GIÁ TRỊ THIẾT THỰC
Lựa chọn lối sống tối giản Danshari (断捨離), người Nhật không chạy theo điều phù phiếm mà ưu tiên giá trị lâu dài, phù hợp với nhu cầu và sở thích của người nhận, đồng thời xây dựng mối liên kết sâu sắc giữa người tặng và người nhận.
Được biết đến là vùng đất trường thọ, người Nhật từ lâu đã chú trọng quan tâm và xem sức khỏe là vốn quý nhất. Vì vậy khi lựa chọn quà biếu đầu năm cho những quý nhân trong đời, họ thường ưu tiên các thức quà sức khỏe như nhân sâm, linh chi hay các loại thực phẩm bổ sung sức khỏe… Những món quà này không chỉ có giá trị thiết thực và còn mang lại may mắn, ngụ ý trường thọ cho người được tặng.
Nguồn: Sưu tầm