‘Sake’ ngày càng trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch trên khắp thế giới thể hiện sự quan tâm đến Nhật Bản. Sake gây nghiện, không chỉ bởi hương vị và cảm giác tuyệt vời mà bạn có được khi thưởng thức, mà còn bởi sự phức tạp và đa dạng của các loại sake, của quá trình sản xuất, của các quy tắc khi uống,… Tất cả tạo nên một nét đặc sắc của sake trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Nhật Bản.
Sake Nhật Bản là gì?
Sake thực chất là một loại đồ uống có cồn của Nhật Bản. Trong các cuộc nói chuyện, ‘Sake’ đôi khi mang hai nghĩa khác nhau và ý nghĩa cụm từ này đề cập đến sẽ phụ thuộc vào người bạn đang nói chuyện cùng.
Nếu bạn đang nói chuyện với một người không phải là người Nhật, thì thuật ngữ sake biểu thị một loại đồ uống có cồn, được làm từ gạo lên men và khác các loại với bia, rượu, sochu hay bất kỳ đồ uống có cồn nào khác. Tuy nhiên, nếu bạn đang nói chuyện với một người Nhật thì sake là tên gọi chung cho các loại rượu, còn từ để chỉ rượu sake – thức uống có cồn từ gạo lên men – là ‘nihonshu’.
Sake được sản xuất như thế nào?
Quá trình sản xuất rượu sake thực sự khá độc đáo và phức tạp. Trên thực tế, có một số nhà máy sản xuất rượu sake nổi tiếng ở Nhật Bản thường tổ chức các tour du lịch cho du khách đến tham quan quy trình sản xuất loại rượu truyền thống.
Nhưng khi nhìn lướt qua, việc sản xuất rượu sake có vẻ khá đơn giản. Về cơ bản, quá trình sản xuất này chính là quá trình lên men gạo trong vài ngày, khi đó tinh bột trong gạo sẽ chuyển hóa thành đường và cuối cùng là rượu. Tuy nhiên, đây là quy trình đã được tinh chế trong nhiều thế kỷ với các bước được rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo hương vị trọn vẹn nhất.
Một trong những bước đầu tiên để sản xuất rượu sake là ‘đánh bóng’ gạo, loại bỏ lớp bên ngoài của hạt gạo, đến khi chỉ còn lại phần lõi giàu tinh bột bên trong trước khi gạo được lên men. Khi rượu được lọc ở bước cuối cùng, nồng độ cồn của rượu sake thường nằm trong ngưỡng 14% – 16%, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như “Genshu”, thường có nồng độ cồn từ 18% – 20%.
Quy trình là một phần quan trọng để sản xuất ra rượu sake tuyệt hảo, nhưng đồng thời, nguyên liệu sử dụng cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Nguyên liệu cơ bản của một loại rượu sake có hương vị tuyệt vời bắt đầu từ gạo cao cấp và nguyên chất (được gọi là ‘Junmai’), nước sạch, nấm mốc koji và men. Loại rượu sake này được gọi là rượu sake nguyên chất.
Khi các chất phụ gia như đường và cồn được bổ sung thêm vào rượu sake, nó sẽ trở thành rượu sake không nguyên chất. Sake nguyên chất ‘Junmai’ có thể được xem là loại sake cao cấp, nhưng đồng thời cũng phải dựa vào khẩu vị của người thưởng thức thì mới có thể đánh giá độ vừa ý đối với loại sake này. Vì vậy, có thể thấy được một chai sake hoàn hảo là sự kết hợp của nhiều chi tiết nhỏ phức tạp.
Các loại rượu Sake ở Nhật Bản
Rượu sake được phân loại theo một số yếu tố, bao gồm loại gạo được sử dụng trong quá trình sản xuất (với hơn 70 loại gạo), vùng sản xuất, mức độ đánh bóng của hạt gạo, quy trình sản xuất bia thực tế, cách lọc rượu và nhiều yếu tố khác.
Junmai – như đã đề cập, dùng để chỉ rượu sake nguyên chất từ gạo, với hạt gạo đã được đánh bóng ít nhất 70%. Nhìn chung, rượu junmai thường có kết cấu đậm đà với hương vị nồng đậm và hơi chua, thường được uống ở dạng sake ấm hoặc nhiệt độ thông thường.
Honjozo – là loại sake đặc biệt đã được thêm một hàm lượng cồn. Giống như Junmai, hạt gạo của loại sake này cũng thường được đánh bóng ít nhất tới 70%, nhưng lại cho nồng độ nhẹ và dễ uống hơn Junmai. Honjozo thích hợp để uống ở cả dạng hâm nóng và ướp lạnh.
Genshu – như đã đề cập, là loại sake có nồng độ cồn cao nhất, nằm trong khoảng 18% – 20%, do không được pha loãng thêm với nước.
Amazake – là một biến thể của rượu sake, được phục vụ đặc biệt tại các lễ hội mùa đông ở Nhật Bản. Đây là một loại thức uống ngọt, đặc giống như rượu sake, nhưng có nồng độ cồn rất thấp hoặc thậm chí bằng không.
Namazake – trong khi hầu hết các loại sake khác được thanh trùng vào cuối quá trình sản xuất, namazake thì không như vậy. Điều này khiến loại sake này trở thành một loại rượu sake tươi cần được uống ngay hoặc phải bảo quản trong tủ lạnh (chỉ giữ được trong thời gian ngắn).
Nigorizake – loại rượu sake này không được lọc hoàn toàn vào cuối quá trình sản xuất. Nigorizake chỉ được lọc một phần, tạo thành loại rượu có màu trắng đục như sữa, có thể chứa các mảnh cơm từ quá trình lên men. Đây là một trong những loại rượu sake ngọt quen thuộc.
Sake sủi bọt – đây là một loại rượu sake khá hiện đại, được phát triển từ món thức uống truyền thống. Trong những năm gần đây, các nhà máy bia đã bắt đầu tiến hành sản xuất rượu sake sủi bọt, thực hiện đóng chai rượu sake trong quá trình lên men dẫn đến hình thành các bong bóng. Loại sake với hương vị tươi mát và nhẹ nhàng này rất được ưa chuộng.
Koshu – là loại sake lâu đời vẫn luôn rất được người Nhật yêu thích. Trong khi hầu hết các loại rượu sake được uống trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi sản xuất, rượu sake Koshu được ủ trong thùng lâu hơn, để thấm đẫm hương vị tinh tế của đất cùng màu sắc đậm đà.
Futsushu – có mức giá thành khá rẻ, với loại gạo hầu như không được đánh bóng (khoảng từ 70% đến 93%), và tạo ra loại sake với mùi vị nồng đậm.
Jizake – đây là loại ‘rượu sake sản xuất tại địa phương’. Hầu hết trong số này được ủ tại các nhà máy bia nhỏ và bởi vì chúng được sản xuất bởi người dân địa phương nên thường có giá thành khá ổn định.
Cách chọn rượu Sake ở Nhật Bản
Việc chọn một loại rượu sake cụ thể dành cho bạn có thể hơi khó khăn, do việc lựa chọn còn cần phải tùy thuộc vào nơi bạn đang ở, mùa nào, thức ăn bạn đang kết hợp cùng,… Tuy nhiên, dưới đây là một số mẹo về những gì bạn nên lưu ý qua khi chọn rượu sake:
Luôn hỏi cửa hàng để được nhân viên giới thiệu trước. Đây là quy tắc đầu tiên, các nhân viên sẽ biết chính xác những loại sake họ có và do đó có thể giới thiệu loại rượu sake tốt nhất để thử hoặc kết hợp với món ăn của bạn.
Khi thời tiết trở nên lạnh hơn, ‘atsukan’ hay là rượu sake nóng sẽ được ưa thích hơn, còn khi thời tiết trở nên ấm hơn thì ‘reishu’ hay sake lạnh sẽ là lựa chọn tuyệt vời.
Nếu bạn muốn trải nghiệm một loại sake đẳng cấp, hãy chọn ‘daiginjo’ hoặc ‘junmai daiginjo’ với hương vị phức tạp, tinh tế nhưng vẫn đem lại cảm giác cân bằng, dễ chịu. Nếu bạn sau một đêm đi chơi xa và dành một mức chi tiêu nho nhỏ để thưởng thức một chút rượu sake, hãy thử qua ‘futsushu’.
Các thương hiệu sake nổi tiếng
Juyondai, Yamagata
Tất cả những người yêu thích sake đều sẽ biết đến Juyondai. Đây là một trong những thương hiệu rượu sake được xếp hạng cao nhất trên thế giới. Loại sake với kết cấu mịn và hương vị ngọt ngào, với chút hương vani thoang thoảng, đem lại sự khác biệt so với các loại sake khác.
Kubota, Niigata
Không phải tất cả các thương hiệu lớn đều sản xuất các sản phẩm cao cấp. Kubota là một thương hiệu rượu sake nổi tiếng đến từ Niigata, nơi sản xuất rượu sake ngon với giá cả phải chăng. Kubota có vị hơi khô khi uống lạnh, nhưng lại dịu nhẹ ngay khi được hâm nóng.
Denshu, Aomori
Được ca ngợi là một trong những thương hiệu rượu sake có sự cân bằng tốt nhất, Denshu là loại rượu sake dành cho những người thích hương vị ngọt ngào, nhẹ nhàng và rất dễ uống.
Hiroki, Fukushima
Một loại rượu sake khác với hương vị được cân bằng rất tốt, Hiroki được đánh giá là loại rượu tạo nên lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ bữa ăn nào và là một món quà tuyệt vời trong mọi bữa tiệc.
Midorikawa, Niigata
Một thương hiệu nổi tiếng khác đến từ thành phố Niigata. Midorikawa có nghĩa là “dòng sông xanh” trong tiếng Nhật, và là một loại rượu sake có giá thành khá ổn, hương vị nhẹ nhàng hoàn hảo, là một sự bổ sung tuyệt vời cho mọi bữa ăn.
Quy tắc khi uống rượu Sake ở Nhật Bản
Mặc dù người Nhật tiến bộ về lối sống, văn hóa và công nghệ khá nhanh, nhưng tận sâu trong con người họ, phần lớn những lễ nghi truyền thống vẫn tồn tại và lưu truyền suốt hàng thế kỷ, bao gồm những lễ nghi khi uống rượu sake. Dưới đây là những quy tắc cơ bản cần lưu ý khi uống rượu sake, đặc biệt là trong một buổi tiệc trang trọng:
Không giống như trong văn hóa phương Tây nơi mọi người có thể thoải mái rót rượu, khi uống rượu sake, bạn sẽ luôn rót cho người khác chứ không bao giờ rót cho mình. Để tuân thủ các nghi thức của người Nhật, bạn cần phải đợi người khác rót rượu cho bạn, ngay cả khi bạn đã rót rượu cho tất cả mọi người trên bàn tiệc.
Để thể hiện sự tôn trọng, khi rót rượu sake, hãy nhớ đặt cả hai tay lên miệng bình, dù bình rượu có thể hơi nhỏ. Đồng thời, khi nhận ly rượu mà người khác rót cho bạn một tay cầm ly và đặt cả tay cầm ly lên lòng bàn tay còn lại.
Nếu bạn đang uống trong bữa tiệc trang trọng, hãy lưu ý đến thứ tự rót rượu sake, phải bắt đầu từ người lớn tuổi nhất/ thâm niên lâu nhất. Đối với tiền bối, bạn sẽ phải rót và nhận rượu bằng hai tay, trong khi đối với đàn em, bạn có thể chỉ sử dụng một tay. Còn nếu bạn chỉ đang trong một buổi tiệc thân mật, bạn có thể thoải mái hơn khi dùng một tay để rót và nhận.
Trước khi chạm ly với người khác, hãy nói ‘Kanpai’. Một nguyên tắc nữa cần đặc biệt chú ý, đó là nếu bạn chạm ly với người có địa vị cao hơn mình, hãy chạm vành ly của bạn dưới vành ly của họ để thể hiện sự kính trọng. Đồng thời, khi uống sake, bạn nên quay mặt khỏi hướng người có địa vị cao hơn một chút. Còn nếu uống sake cùng người có địa vị rất cao, một phép lịch sự cần có là quay mặt hoàn toàn khỏi phía của họ rồi mới uống.
Nguồn:
https://favy-jp.com/topics/1697
https://sugoii-japan.com/sake-japan-guide
https://www.tokyolocalized.com/post/5-best-sake-you-should-try-in-japan