Hệ tiêu hoá không chỉ đơn giản là cơ quan thẩm lọc thức ăn, nó còn được xem là một trong những bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể con người.
Hệ vi sinh vật đường ruột với không dưới 100 nghìn tỷ vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, sức khoẻ tinh thần và hệ miễn dịch… Dưới đây là những “nguyên tắc vàng” hỗ trợ tối ưu sức khoẻ đường ruột của bạn.
1. HẠN CHẾ CĂNG THẲNG
Căng thẳng ảnh hưởng lớn đến hệ thống tiêu hóa của bạn, gây ra những hệ luỵ nguy hiểm. Ảnh hưởng của căng thẳng không chỉ dừng lại ở khó tiêu. Căng thẳng là nguyên nhân gây nên viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, chán ăn, ăn không tiêu, rối loạn chức năng đại tràng. Dạ dày và ruột thực chất có nhiều tế bào thần kinh hơn toàn bộ cột sống, chính vì vậy các bác sĩ coi hệ tiêu hóa là một “bộ não thứ hai”. Để bảo vệ cho “bộ não thứ hai” là hạn chế tối ưu khả năng căng thẳng bằng cách: tập luyện, đi bộ, bơi lội, ăn uống lành mạnh… Nếu đang bị trầm cảm đeo bám, bạn nên nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và điều trị.
2. NGỦ ĐỦ GIẤC CẢI THIỆN SỨC KHOẺ ĐƯỜNG RUỘT
Một cách đơn giản nhưng hiệu quả để nâng cao sức khoẻ đường ruột của bạn chính là ngủ đủ giấc. Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc là những dấu hiệu “chỉ điểm” bạn đang gặp phải rắc rối về đường ruột. Phần lớn serotonin của cơ thể (một loại hormone ảnh hưởng đến giấc ngủ) được sản xuất trong ruột. Hơn nữa, mất ngủ có thể làm gián đoạn quá trình điều hòa dòng epinephrine của não, làm tăng nồng độ vi khuẩn đường ruột.
Bạn nên hình thành cho mình một thói quen đi ngủ cùng một thời điểm mỗi tối và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng để đảm bảo một sức khỏe tốt nhất. Các kỹ thuật nhỏ như: thiền, đi bộ, yoga… là những trợ thủ đắc lực mang lại kết quả lớn, giúp bạn có được một giấc ngủ chất lượng hơn.
3. UỐNG ĐỦ NƯỚC CẢI THIỆN SỨC KHOẺ ĐƯỜNG RUỘT
Thói quen uống đủ nước là một trong những yếu tố cần thiết để thúc đẩy sức khỏe đường ruột. Keri Glassman – chuyên gia dinh dưỡng và là người sáng lập của Nutritious Life cho biết: “Cơ thể chúng ta cần nước cho sức khỏe làn da, khả năng miễn dịch và năng lượng, nhưng cũng cần nước để đẩy mọi thứ đi qua quá trình tiêu hóa”. Nước hỗ trợ loại bỏ chất thải và độc tố. Chính vì vậy, nếu cơ thể mất nước đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bị đầy hơi, đau bụng, táo bón. Đồng thời nước giúp hạn chế sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
4. THÊM MEN VI SINH VÀO THỰC ĐƠN CỦA BẠN
Chế độ ăn uống và sức khỏe đường ruột có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bạn nên bổ sung prebiotics hoặc men vi sinh vào chế độ ăn uống để giữ cho hệ thống tiêu hóa của bạn cân bằng. Các loại thực phẩm giàu men vi sinh như sữa chua, dưa bắp cải, dưa kim chi, đậu nành lên men…
5. ĂN CHẬM
Ăn chậm, nhai kỹ giúp duy trì đường ruột khoẻ mạnh, cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng một cách tốt nhất. Khi ta ăn chậm, nhai kỹ thức ăn sẽ được nghiền nhỏ, tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn. Từ đó giúp thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, và dạ dày cũng làm việc bớt cực nhọc hơn.
6. TẬP THỂ DỤC THƯỜNG XUYÊN
Tập thể dục có thể tăng cường số lượng các loài vi sinh vật có lợi, làm phong phú thêm sự đa dạng của hệ vi sinh vật trong ruột giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa bệnh tật về lâu dài. Đặc biệt khi bạn bị đầy hơi, tập thể dục nhẹ nhàng chính là phương pháp “vàng” để giảm bớt tình trạng đầy hơi và ngăn ngừa đau bụng. Nó giúp kích thích hệ tiêu hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các chất lỏng trong cơ thể bạn. Bên cạnh đó, tập thể dục còn hỗ trợ đắc lực giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.
7. BỔ SUNG CHẤT XƠ
Chất xơ là thực phẩm “vàng” giúp cho đường ruột luôn vui khỏe. Bạn có thể chăm sóc sức khỏe cho đường ruột của mình bằng đậu xanh, đậu lăng, yến mạch bông cải xanh, các loại ngũ cốc, quả mâm xôi. Trái cây cũng là một loại thực phẩm rất giàu chất xơ, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho sức khỏe đường ruột luôn được kiểm soát một cách lành mạnh.
8. GIẢM LƯỢNG ĐƯỜNG NẠP VÀO CƠ THỂ
“Nghiện” đường không chỉ góp phần ảnh hưởng đến cân nặng của bạn mà còn gây hại đến sức khoẻ đường ruột. Đường là nguyên nhân hình thành nên các vi khuẩn xấu trong đường ruột của bạn, dễ tạo khí trong đường ruột, gây đầy hơi, khó tiêu. Chính vì thế bạn chỉ nên ăn ở lượng vừa đủ để tránh tình trạng đầy bụng và khó chịu.
Nguồn: Elle.vn